Đảo Cù Lao Xanh khá nhỏ và chưa phát triển mạnh về du lịch nên cũng không có nhiều lựa chọn cho các bạn, nhưng cũng chính vì thế lại rất phù hợp với những bạn không thích ồn ào, cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, ngắm biển.
Tắm biển, lặn ngắm san hô ở Cù Lao Xanh
Đừng quên mang theo đồ bơi để thoải mái vùng vẫy trong làn nước mát lạnh ở Cù Lao Xanh
Nhơn Châu không nhiều chỗ chơi nhưng rất phù hợp với bạn muốn ngảm cảnh đẹp, tắm biển, nghỉ dưỡng. Ở phía Tây của đảo có nhiều bãi với nước biển trong xanh, cát trắng trải dài, các bạn có thể tắm hoặc lặn ngắm san hô như Bãi Bổn, Bãi Nhỏ Bãi Gala…
Lặn ngắm san hô
Nhớ bảo vệ những rặng san hô các bạn nhé, chỉ ngắm nhìn thôi, đừng gây hại
Nước biển trong nên dễ dàng cho các bạn lặn (úp mặt) ngắm san hô, các bạn nhớ là tuyệt đối không bẻ san hô mang về nhà nhé. Ngoài việc đây là ý thức bảo vệ môi trường thì còn để tránh rắc rối do bên biên phòng sẽ kiểm tra kỹ.
Đốt lửa trại
Nếu đi theo nhóm hoặc đoàn đông, các bạn có thể tổ chức một buổi đốt lửa trại vào buổi tối sau khi đã ăn uống xong. Hát hò, nhảy múa bên đống lửa giữa tiếng rì rào của sóng biển sẽ rất tuyệt vời.
Cầu cảng Cù Lao Xanh
Nơi đầu tiên các bạn đặt chân tới đảo chính là cầu cảng. Cũng như bao cầu cảng khác, đây là nơi rất hợp lý để sản sinh ra những bức ảnh đẹp tuyệt vời bởi một đường thẳng tắp trên nền xanh của biển khơi và bầu trời.
Khu dã ngoại Cù Lao Xan
Đây là một địa điểm du lịch Cù Lao Xanh mới được đưa vào khai thác. Trái ngược với các hình thức homestay ở cùng người dân trên đảo, tại khu dã ngoại Cù Lao Xanh các bạn sẽ có một không gian hoàn toàn biệt lập với bãi biển riêng, đốt lửa trại, dựng lều, tổ chức các buổi tiệc nướng BBQ một cách thoải mái.
Bãi nhỏ Cù Lao Xanh
Bãi Nhỏ có thể coi là bãi biển đẹp nhất ở Cù Lao Xanh. Bãi cát ở đây hạt to chứ không mịn, có nhiều tảng đá. Đây cũng là địa điểm vô cùng lý tưởng để lặn ngắm san hô
Dựng lều trại, tắm biển lặm ngắm san hô tại Bãi nhỏ cù Lao Xanh
Bãi Đông Cù Lao Xanh
Đến với mũi Đông của Đảo, bạn có thể trải nghiệm cảm giác đón bình minh sớm với những tia nắng vàng dịu nhẹ. Hiếm có nơi đâu mặt trời to, đẹp lung linh, muôn sắc và thật tinh khôi như mặt trời mọc tại Cù Lao Xanh.
Mũi Hoàng Bằng
Mũi Hoàng Bằng nhô ra với biển và có nhiều tảng đá lớn trông rất oai phong được xếp chồng lên nhau. Đến với địa điểm này, du khách có khoảng không gian bằng phẳng để dạo bộ ngắm cảnh rất đẹp.
Bãi đá Thảo Nguyên
Bãi đá Thảo Nguyên hấp dẫn bởi “rừng đá” với muôn hình vạn trạng và nhiều màu sắc khác nhau, dáng đứng, dáng ngồi và cả dáng suy tư, kiểu dáng vừa lạ mắt mà lại rất hài hòa. Nơi đây còn có hòn Ông Già ngày đêm bầu bạn với biển khơi.
Hải đăng Cù Lao Xanh
Năm 1890, từ sự kiện một chiếc tàu thủy bị chìm vì đâm phải Hòn Cao (đá ngầm) thuộc khu vực biển Quy nhơn, thực dân Pháp đã quyết định xây dựng ở Thanh Châu (tên gọi cũ của Nhơn Châu) một ngọn hải đăng, đặt tên là Plogam Bir (Cù Lao Xanh). Mục đích của người Pháp xây dựng ngọn đèn biển ở Cù Lao Xanh là để hướng dẫn tàu, thuyền ra, vào Cảng Quy nhơn được thuận tiện, an toàn. Thế rồi, theo lệnh của Tòa Khâm sứ Pháp, tất cả quan lại các tổng, huyện đã thực hiện việc bắt dân các xã (mỗi xã 5 người) ra Thanh Châu làm phu xây dựng hải đăng Plogam Bir .
Hải đăng Cù Lao Xanh là một sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc Ðông – Tây ; vừa mang “hơi thở” của trường phái kiến trúc Gô-Tich, vừa có dáng dấp kiến trúc phương Ðông. Kết cấu của hải đăng gồm 4 phần chính, phân bổ hài hòa, hợp lý. Tầng dưới cùng là bậc thang gồm 32 bậc, xây bằng gạch vồ. Vào trong lòng tháp, ta đi lên một cầu thang lượn xoắn ốc là tới tầng chính, nơi để đèn. Ban đầu, đèn dùng bằng gas, vòng quay phải dùng bằng một quả tạ cơ năng làm cho đèn quay. Năm 1957, đèn được thay thế bằng điện (công suất bóng 1000W).
Phần trên là một hệ thấu kính, ở giữa đặt một bóng đèn. Năm 1984, đèn lại được thay bằng một hệ thống mô-tơ từ trường. Mô-tơ này điều khiển mâm quay. Mâm quay cấu tạo nhiều lỗ tròn dùng để hạ định tốc độ, được điều khiển bằng một bán dẫn điện tử làm cho tốc độ luôn luôn cố định. Chu kỳ của vòng quay là 12 giây : gồm 3 tia ngắn, 1 tia dài (vì vậy ở xa ta mới thấy đèn nhấp nháy). Tính từ chân tháp lên đỉnh, hải đăng Cù Lao Xanh cao 19m, nhưng vững chắc, kiên cố vì toàn bộ được xây bằng đá tảng lớn (tường dày hơn 1m). Hiện nay, hải đăng Cù Lao Xanh được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam .
Cột cờ Tổ quốc
Công trình cột cờ Tổ quốc được khởi công xây dựng từ ngày 08/7/2014. Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cù lao xanh được thiết kế cao 22,66m, cờ vải kích thước 4 x 6m; có thân đế hình trụ vuông 2,2×2,2m, cao 5,05m xây bằng đá granite. Phía sau cột cờ có 2 phù điêu logo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam bằng chất liệu đá Granite hướng ra quần đảo Hoàng Sa, ghi rõ chủ quyền, kinh độ, vĩ độ của đảo Cù Lao xanh.
Lễ hội cầu ngư
Nếu may mắn, các bạn sẽ tới Cù Lao Xanh vào đúng dịp diễn ra Lễ Hội Cầu Ngư truyền thống, song song lễ ra quân đánh bắt vụ mùa khí thế, vào 16/3 (âm lịch) hàng năm. Ban nghi lễ gồm các cụ cao niên hiền đức và có uy tín với bạn chài.Vị chánh bái dâng đồ tế lễ,đọc văn tế thể hiện lòng biết ơn đối với Cá Ông,cầu mưa thuận gió hoà,đánh bắt bội thu,ra khơi về lộng an toàn.
Lễ Hội còn thể hiện ý thức Uống Nước Nhớ Nguồn,tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền có công lập làng và dựng nghiệp.Lễ Hội tái hiện nét đẹp Văn Hoá dân gian truyền thống,thông qua hoạt động trò chơi đua thuyền kéo co bóng đá việt dã.